Ảnh hưởng Tào Động tông

Tại Triều Tiên (Hàn Quốc)

Tông chỉ của Tông Tào Động được truyền vào Triều Tiên cuối thời đại Tân La. Năm 894 triều nhà Đường, tăng sĩ Triều Tiên là Lợi Nghiêm (zh:利嚴; kr: iǒm) hành cước sang Trung Quốc và tham học với Thiền sư Vân Cư Đạo Ưng rồi ngộ đạo và được ấn khả. Sau khi trở về nước năm 911, sư theo sắc lệnh của vua Thái Tổ Cao Ly sáng lập Quảng Chiếu Tự tại Tu Di Sơn. Tại đây, sư tích cực truyền bá Thiền Tông và pháp Thiền Tào Động mà sư đã lãnh hội được yếu chỉ ở Trung Quốc và đào tạo ra nhiều vị đệ tử Thiền sư nổi tiếng như: Xử Quang, Đạo Nhẫn..., dưới pháp hội của sư thường có vài trăm đệ tử tham học. Sư là một trong chín vị Thiền sư bản địa đầu tiên sang Trung Quốc du học và truyền bá Thiền Tông vào Triều Tiên, phái Thiền Tu Di Sơn của sư là một trong chín phái Thiền (zh:九山禪, Cửu Sơn Thiền) đại diện cho Thiền Tông Triều Tiên lúc bấy giờ.

Tại Nhật Bản

Lịch sử

Thiền sư Đạo Nguyên Hi Huyền, Khai tổ Tông Tào Động tại Nhật Bản.

Tông Tào Động được truyền vào Nhật Bản bởi Thiền sư Đạo Nguyên Hi Huyền trong khoảng thế kỷ XIII. Vào năm 1223, sư sang Trung Quốc học Thiền tại Thiên Đồng Cảnh Đức Thiền Tự ở Ninh Ba, Triết Giang và đại ngộ, nối pháp của Thiền sư Thiên Đồng Như Tịnh. Năm 1227, sư trở lại Nhật Bản, sáng lập ngôi đại Vĩnh Bình Tự và bắt đầu xiển dương tông phong của mình.

Sau đó, vào thế kỷ XIV, tông Tào Động cũng được tiếp tục truyền sang Nhật qua một số vị Thiền sư thuộc phái Hoằng Trí. Thiền sư Đông Minh Huệ Nhật sang Nhật vào năm 1309 và kế đến có Thiền sư Đông Lăng Vĩnh Dư vào năm 1351. Thiền sư Đông Minh từng trụ trì tại ngôi đại danh sát Viên Giác Tự (ja: Enkaku-ji) ở Liêm Thương (zh: Kamakura) còn thiền sư Đông Lăng cũng từng trú trì tại một số đại danh sát như Thiên Long Tự (zh: Tenryū-ji), Nam Thiền Tự (zh: Nanzen-ji), Kiến Trường Tự (zh: Kenchō-ji), Viên Giác Tự (zh: Enkaku-ji). Cả hai vị này đều nương nhờ vào các thiền viện của Lâm Tế Tông để cử xướng Thiền phong Phái Hoằng Trí thuộc Tào Động Tông, tuy nhiên pháp hệ của họ sau đó bị thất truyền.

Đến thời nhà Minh, năm 1677, Thiền sư Tâm Việt Hưng Thù thuộc phái Thọ Xương( do Vô Minh Huệ Kinh sáng lập), sang Nhật truyền bá Tông Tào Động, nhưng cũng không được bao lâu và bị thất truyền.

Dòng truyền chính đại biểu cho Tông Tào Động là Thiền sư Đạo Nguyên Hi Huyền- nhân vật có ảnh hưởng nhất và được coi là tổ khai sinh ra tông tào động tại Nhật Bản và cũng là người truyền bá dòng Thiền này thành công nhất. Với phong cách sống dản dị, xa lánh quyền thế, lối thiền này đã tạo sức hút với các tầng lớp bình dân và đã tạo được tiếng vang lớn trong xã hội Nhật Bản. Tuy nhiên, Thiền sư Đạo Nguyên Hi Huyền phê phán kịch liệt việc phân chia thành Ngũ Gia Thất Tông và rất kỵ trong việc gọi tông chỉ của mình là Thiền tông hay Tào Động tông nên ban đầu dòng truyền này được gọi là Chính Pháp Tông hay Đạo Nguyên Tông.

Thiền sư Oánh Sơn Thiện Cẩn, tổ thứ 4, người phát triển Tông Tào Động vượt trội.

Sau khi Đạo Nguyên thị tich, môn đệ là Cô Vân Hoài Trang kế thừa trụ trì chùa Vĩnh Bình và trở thành tổ thứ 2 của tông này. Thiền sư Cô Vân Hoài Trang có công lớn trong việc biên soạn và lưu truyền các tác phẩm Thiền của Đạo Nguyên tồn tại cho đến nay. Sau khi Thiền sư Cô Vân Hoài Trang thị tịch đã diễn ra một cuộc tranh cãi kịch liệt giữa 4 đệ tử nối pháp của Thiền sư Cô Vân Hoài Trang là Triệt Thông Nghĩa Giới, Tịch Viên[1], Nghĩa Diễn và Nghĩa Doãn với tiêu đề là Tam Đại Tương Luận (zh: 三代相論, ja: Sandai sōron)- tức sự khác biệt về thế hệ thứ 3. Bởi vì, trước khi Thiền sư Cô Vân Hoài Trang thị tịch, sư không nêu tên một người kế vị trụ trì chùa Vĩnh Bình rõ ràng và cả 4 đệ tử này của Thiền sư Hoài Trang đều tuyên bố vai trò của mình đối việc trụ trì chùa Vĩnh Bình. Đặc biệt, sau khi Thiền sư Triệt Thông Nghĩa Giới làm trụ trì, sư đã định hình thay đổi quy củ, kiến trúc theo hướng dung hợp các yếu tố Mật Giáo, sinh hoạt lễ nghi... vốn được coi là trái với chủ trương Thiền đơn sơ, thuần túy của Đạo Nguyên và bị các đồng môn khác lên án. Sau đó, các Thiền sư Tịch Viên, Nghĩa Doãn, Triệt Thông Nghĩa Giới đã rời khỏi chùa Vĩnh Bình, Thiền sư Nghĩa Vân được đại chúng chùa Vĩnh Bình suy tôn lên làm trụ trì.

Sau khi rời chùa Vĩnh Bình, Thiền sư Triệt Thông Nghĩa Giới đến trụ trì tại chùa Đại Thừa (ja: Daitokuji) và tiếp tục hiện thực hóa các ý tưởng mới về Kiến trúc, quy củ sinh hoạt của mình. Sau đó, Thiền sư Triệt Thông Nghĩa Giới thị tịch, đệ tử nối pháp là Oánh Sơn Thiện Cẩn tiếp tục phát huy và triệt để hóa các ý tưởng của thầy. Dưới sự hoằng pháp của Thiền sư Oánh Sơn, Tông Tào Động phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng thu hút được nhiều tín đồ tu học. Sư ra sức chỉnh đốn thanh quy và đào tạo đồ chúng, xây dựng ngôi đại thiền tự Tổng Trì (ja; Soji-ji) và đưa Tông Tào Động tiến xa trong xã hội Nhật Bản. Với công hạnh như thế, thầy của sư là Thiền sư Triệt Thông Nghĩa Giới được hậu thế tôn làm tổ thứ 3 của Tông Tào Động và sư là tổ thứ 4. Sư được hậu thế tôn kính gọi là Đại Tổ (zh. 大祖, ja. daiso) và có tầm ảnh hưởng ngang hàng với Thiền sư Đạo Nguyên Hi Huyền (Cao Tổ, 高祖). Dưới Oánh Sơn Thiện Cẩn có nhiều vị đệ tử đắc pháp xuất sắc như Minh Phong Tố Triết, Nga Sơn Thiều Thạc... Thiền sư Nga Sơn Thiều Thạc có 21 vị đệ tử nối pháp anh tài làm trụ cột phát triển cho tông Tào Động lan rộng ảnh hưởng khắp xã hội Nhật Bản, sư cũng là người đã đưa giáo lý quan trọng của tông Tào Động là Động Sơn Ngũ vị vào việc giảng dạy, tu học.

Như vậy, Tông Tào Động Nhật Bản dòng pháp Đạo Nguyên Hi Huyền có hai hệ phái chính là:

  1. Dòng pháp của Triệt Thông Nghĩa GiớiOánh Sơn Thiện Cẩn lấy Thiền viện Tổng Trì Tự (Soij-ji) làm tổ đình chính. Với mục tiêu chính là truyền bá và mở rộng giáo đoàn, lan rộng ảnh hưởng trong quần chúng, nên trong sinh hoạt tu tập và giáo lý có phần khác biệt so với tư tưởng của Đạo Nguyên như dung nhập hình thức tham công án, sinh hoạt mang tính nghi lễ, Mật giáo như trì chú, tụng kinh ...
  2. Dòng pháp của Thiền sư Tịch Viên và Nghĩa Vân[2] lấy Thiền viện Vĩnh Bình Tự( Eihei-ji) làm tổ đình chính, nối tiếp sự truyền thừa (do Thiền sư Nghĩa Diễn không có người thừa kế nên Thiền sư Nghĩa Vân đến giúp sức hoằng hóa và thủ trì). Với chủ trương duy trì lối tu Thiền giản dị, thuần túy, nguyên thủy như thời của Thiền sư Đạo Nguyên còn sống.
Biểu tượng chính thức của Thiền phái Tào Động Nhật Bản.

Cả hai ngôi tổ đình sau này đều được xếp ngang hàng nhau và được Thiên Hoàng công nhận là Lưỡng Đại Bản Sơn của tông Tào Động Nhật. Năm 1895, thiền sư trưởng môn (quản trưởng) của hai phái Tổng Trì và Vĩnh Bình đã thảo luận về các vấn đề các bất đồng từ xưa và đi đến thỏa hiệp với nhau vì mục tiêu chung hoằng pháp.

Thời kỳ Edo đã diễn ra sự cải cách và trùng hưng tông phái trong nội bộ Tông Tào Động Nhật Bản với đặc trưng là khôi phục lại các tác phẩm, giá trị, tinh thần Thiền của Thiền sư Đạo Nguyên thông qua hoạt động của một số Thiền sư như Menzan Zuihō (1683–1769), Gentō Sokuchū (1729–1807)...

Chùa Vĩnh Bình, Eihei-ijChùa Tổng Trì, Soij-ji
Trụ sở hành chính chính của tông Tào Động Nhật Bản tại Tokyo.

Theo thống kê Bộ văn hóa Nhật vào năm 1998, Tông Tào Động tại Nhật là tông phái Phật giáo lớn nhất với gần 15,000 ngôi chùa ( trong đó khoảng 13.850 ngôi chùa trực thuộc bản sơn Tổ Đình Tổng Trì Tự và còn lại thuộc bản sơn Tổ Đình Vĩnh Bình Tự) và khoảng 8 triệu tín đồ trên khắp Nhật Bản và có 3 hệ phái chính cùng với nhiều trường Đại Học đào tạo giáo dục trực thuộc như Đại học Komazawa, Đại học Aichi Gakuin...Các quy định về hoạt động và công vụ, hành chính được áp dụng trong các tổ chức, tự viện thuộc Tông Tào Động Nhật Bản bao gồm:

  1. Hiến chương Tông Tào Động ( ja: Sotoshu shuken)
  2. Quy định cho các tín đồ thuộc Tông Tào Động (ja: Shūkyō hōnin Sōtōshū kisoku)
  3. Các thủ tục tiêu chuẩn của Tông Tào Động (ja: Sōtōshū kitei).

Thiền pháp Tào Động được truyền sang phương tây với tên gọi phổ biến là Soto Zen vào giữa sau thế kỷ 20, đầu tiên bởi Thiền sư Taisen Deshimaru( đệ tử đắc pháp của thiền sư nổi tiếng Kodo Sawaki), sư xây dựng cơ sở hoằng pháp Tào Động ở nước Pháp và lan rộng ra nhiều nước phương Tây, đến nay vẫn còn ảnh hưởng. Hay được truyền sang Mỹ quốc với các vị Thiền sư nổi tiếng như Shunryū Suzuki, Taizan Maezumi. Các phong trào tu Thiền, hành Thiền, các Thiền đường Tào Động ở nước ngoài do các sư gốc Nhật hay người nước ngoài truyền bá ngày càng phát triển và thu hút sự quan tâm thực hành của nhiều người Phương tây.

Pháp tu

Thiền sư Taizan Maezumi- người truyền bá Thiền Tào Động sang Mỹ thời hiện đại.

Trong tất cả các thiền viện tào động Nhật Bản từ lúc sáng lập cho đến thời hiện đại vẫn duy trì lối tu tập tọa Thiền chỉ quán đả tọa- tức chỉ cần tọa thiền là đủ, không cần đối tượng để quán chiếu, ngồi Thiền tức là làm Phật, trong tâm an định trí huệ tự tính thanh tịnh tự nhiên sáng chiếu. Tư tưởng này do Thiền sư Đạo Nguyên kế thừa từ pháp Thiền Mặc Chiếu của Thiền sư Hoằng Trí Chính Giác và sư được Thiền sư Thiên Đồng Như Tịnh trực tiếp chỉ dạy và đốn ngộ yếu chỉ. Sau này sư về Nhật và tích cực truyền bá rộng rãi, được mô tả đường lối thực hành rất chi tiết trong bộ Chính Pháp Nhãn Tạng(ja: Shobo Genzo) và Tọa Thiền Dụng Tâm Ký.

Pháp tham công án cũng được coi trọng và ứng dụng vào tu tập trong tông Tào Động Nhật, đặc biệt là từ thời của Thiền sư Oánh Sơn Thiện Cẩn trở về sau.

Cho tới thời cận đại, hình thức tu tập độc tham, tức là một đệ tử vào thất gặp riêng thầy để trình kiến giải tu hành, vấn đáp Phật Pháp vẫn được duy trì, trong khi tại tông Lâm Tế Nhật hình thức này đã bị phai mờ từ sau thời Minh Trị. Trong các buổi thời khóa hàng ngày trong các tự viện Tào Động Nhật Bản cũng có tụng Kinh và trì chú.

Tại Việt Nam

Tại Miền Bắc

Vào thế kỷ thứ 17, Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt(通覺水月) sang Trung Quốc tham thiền với Tổ Sư đời thứ 30 Tông Tào Động là Thiền Sư Nhất Cú Tri Giáo(一 句 知 教) ở Nhân Vương Hộ Quốc Thiền Tự, núi Phụng Hoàng, Hồ Châu . Sau 6 năm tu hành tham Thiền ở Trung Quốc, sư đã Kiến tính ( liễu ngộ) và được ấn khả, truyền pháp mạch của Tào Động Chính Tông và đem về truyền bá tại Việt Nam. Sư từng giáo hóa khắp Miền Bắc khiến giáo pháp được phát triển rực rỡ một thời. Sư được các môn đệ tôn xưng là sơ tổ tông tào động tại việt nam. Sau khi sư viên tich, mạch pháp được truyền cho đệ tử là Thiền Sư Chân Dung Tông Diễn. Thiền sư Tông Diễn đã kế thừa và phát huy Thiền Tào Động một cách xuất sắc. Sư nổi danh trong lịch sử với kỳ tích giúp phật giáo bấy giờ thoát nạn bị diệt vong khi vua Lê Hi Tông ra lệnh phá bỏ chùa chiền, đuổi hết tăng ni về núi ở. Sư đã khuyên vua, giúp vua sám hối sai lầm và bãi bỏ lệnh cấm của mình. Thiền sư Tông Diễn được vua kính trọng phong hiệu là Đại Tuệ Quốc Sư, Nhục Thân Bồ Tát Đại Thừa và mời giảng pháp trong cung.

Các đời truyền Thừa của Tông Tào Động đều sản sinh ra những vị thiền sư, đại sư xuất sắc trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nhiều vị được phong làm Quốc Sư, Tăng Cương, Tăng Thống lãnh đạo Phật giáo. Thời cận đại, Hòa Thượng Thiền gia Pháp Chủ Thích Mật Ứng và Hòa Thượng Đệ Nhất Pháp Chủ GHPGVN Thích Đức Nhuận là những thế hệ đã làm rạng danh Phật giáo trong lòng dân tộc Việt Nam qua tư tưởng cứu nước, cứu đời, lợi ích an dân, phật giáo nhập thế.

Kế thừa truyền thống tu hành của Thiền Tông, các thiền sư thiền phái này ban đầu chú trọng hướng dẫn người học tham thiền, tọa thiền để minh tâm kiến tính, liễu thoát sinh tử. Thiền Sư Thanh Đàm Minh Chính đã khái quát tư tưởng Thiền qua các tác phẩm Bát Nhã Trực chỉ và Đề Cương Kinh Pháp Hoa, Thiền sư Đạo Nguyên Thanh Lãng trong bài pháp của mình có xu hướng hòa nhập giữa Thiền và Tịnh, sư vừa khuyên người tu học pháp môn Thiền Bát-Nhã, vừa niệm Phật để cầu sinh Tịnh Độ.

Các chùa từng là di tích phát khởi của Tông Tào Động ở Việt Nam có thể kể đến là Chùa Nhẫm Dương ở Kinh Môn, Hải Dương- nơi Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt từng khai hóa và trụ trì, chùa Hòe Nhai ( Hồng Phúc Thiền Tự) ở Ba Đình, Hà Nội là nơi lưu dấu hoằng pháp của Thiền sư Chân Dung Tông Diễn. nhỏ|Thiền sư Thạch Liêm

Tại Miền Trung

Vào cuối thế kỷ 17, sau nhiều lần được các chúa Nguyễn mời thỉnh sang Đại Việt hoằng pháp thì đến năm 1694 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu thì Thiền sư Thạch Liêm Đại Sán mới sang Đại Việt. Thiền sư Thạch Liêm Đại Sán là cao tăng Thiền Tông thuộc phái Thọ Xương, Tông Tào Động, sư là đệ tử nối pháp của Thiền sư Giác Lãng Đạo Thịnh nổi tiếng trong giới Thiền Tông và Phật giáo Trung Quốc. Sau khi sang Đại Việt, sư nỗ lực lan rộng tinh thần nghiêm trì giới luật trong các giới đàn cho tăng sĩ Việt Nam ; các chúa Nguyễn, hàng vương cung, quý tộc cũng tôn kính và theo sư quy y, thọ giới, học đạo. Đương thời, trong Phật giáo Việt Nam tồn tại nhiều tệ nạn, thấy những điều không tốt như thế, sư tích cực lên án và thanh tịnh hóa tăng đoàn, ngoài ra sư cũng giới thiệu và truyền bá pháp môn Thiền Thoại Đầu đến quần chúng. Tuy nhiên, sư chỉ giáo hóa một thời gian ngắn rồi trở về cố quốc, ví thế tông Tào Động trong miền nam không phát triển và không có ảnh hưởng gì lớn sau đó.

Kết luận

Tông Tào Động và Tông Lâm Tế chỉ truyền vào Việt Nam hưng thịnh được hơn 100 năm rồi bắt đầu biến thái và suy tàn. Tâm ấn chỉ truyền được vài ba thế hệ đầu với những vị thiền sư chân tu thật ngộ và sau đó bị thất truyền và chỉ còn là giả danh, không có thực tu. Nếu trước kia, trong truyền thống Thiền Tông, chỉ có người đã triệt ngộ Thiền mới được ấn khả và được nối pháp Thiền Tông. Nhưng sau này, có những vị sư tu Thiền chưa ngộ hoặc không tu Thiền mà chỉ là xuất gia với một vị thầy thuộc tông phái cũng được nối pháp đời thứ mấy. Chính điều này làm cho truyền thống thực tu thực ngộ và sự truyền thừa của Thiền Tông bị phá hoại ở Trung Quốc từ sau thời nhà Minh và ở Việt Nam. Những vị tăng, ni ngày nay nhận mình thuộc Tông Tào Động tất cả đều tu theo các pháp môn như Tịnh Độ Tông, Luật Tông, Mật Tông, Giáo Môn... họ hầu như không biết gì về lối tu của Thiền Tông.